Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 06/10/2020 của UBND tỉnh Hưng Yên về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 05/02/2021 về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh bằng hình thức phù hợp. UBND xã Tiền Phong xây dựng Kế hoạch thực hiện công tác Bảo vệ môi trường trên địa bàn xã Tiền Phong năm 2024 với các nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
1. Mục đích:
- Tăng cường công tác quản lý và bảo vệ môi trường; từng bước giải quyết cơ bản các vấn đề môi trường còn tồn tại; Phòng ngừa, hạn chế, khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, nâng cao chất lượng môi trường tại địa phương.
- Từng bước nâng cao chất lượng môi trường sống cho nhân dân; phát triển các ngành nghề kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. ; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường; từng bước đầu tư, giải quyết các tồn tại về môi trường và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã.
2. Yêu cầu:
- Quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất các ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến đời sống của nhân dân. Từng bước xử lý, khắc phục các điểm gây ô nhiễm môi trường đảm bảo theo quy định của pháp luật.
- Duy trì công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường đối với các xóm; thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu trong tiêu chí môi trường về đích nông thôn mới nâng cao.
III. NỘI DUNG, NHIỆMVỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN NĂM 2024:
1. Mục tiêu thực hiện trong năm 2024:
- Rà soát, hướng dẫn các công ty, doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, trang trại chăn nuôi lập hồ sơ bảo vệ môi trường theo quy định.
- Giữ vững và nâng cao chất lượng các chỉ tiêu đã đạt trong Tiêu chí Môi trường và an toàn thực phẩm. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu trong tiêu chí môi trường để đạt xã nông thôn mới nâng cao năm 2024.
- Tăng cường công tác thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã, tập kết đúng nơi quy định; tuyên truyền nhân dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.
- Phối hợp với cán bộ thú y rà soát các hộ chăn nuôi; tuyên truyền nâng cao nhận thức về đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường trong hoạt động chăn nuôi.
- Tăng cường việc vệ sinh đường làng, ngõ xóm, đảm bảo cảnh quan môi trường xanh- sạch – đẹp.
2. Nhiệm vụ cụ thể và các giải pháp chủ yếu:
2.1. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT đối với các công ty, doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, trang trại chăn nuôi.
- Rà soát, thống kê toàn bộ các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cơ sở sản xuất kinh doanh, trang trại, gia trại có phát sinh chất thải ra môi trường. Thông báo, hướng dẫn lập hồ sơ bảo vệ môi trường và yêu cầu các cơ sở thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
- Xây dựng Kế hoạch tổ chức kiểm tra việc chấp hành thực hiện công tác BVMT đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, các trang trại, gia trại.
2.2. Xây dựng cảnh quan, môi trường xanh-sạch-đẹp, an toàn; Chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuấtkinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định:
- Tăng cường hoạt động của tổ thu gom rác thải. Phát động phong trào vệ sinh môi trường, đưa việc bảo vệ môi trường vào hương ước, quy ước của các xóm; Tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ dân phân loại rác tại nguồn, hạn chế tối đa lượng rác thải phát thải ra ngoài môi trường, cải tạo, chỉnh trang khuôn viên, đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp.
2.3 Thực hiện tốt công tác xử lý rác thải y tế và vỏ bao bì hóa chất bảo vệ thực vật:
- Trạm y tế quản lý, xử lý tốt rác thải y tế phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh cho nhân dân.
- Tuyên truyền nhân dân thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các khu vực canh tác đúng nơi quy định; xây dựng kế hoạch thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật theo kế hoạch của phòng TNMT.
2.4. Thực hiện tốt công tác quản lý nghĩa trang:
- Duy trì quản lý hoạt động của các Tổ quản trang tại các khu nghĩa trang nhân dân.
- Tuyên truyền, vận động nhân dân đảm bảo việc an táng, chôn cất phù hợp với tín ngưỡng phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa và nếp sống văn minh hiện đại.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cán bộ Địa chính - môi trường:
- Tham mưu cho lãnh đạo địa phương về tăng cường quản lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
- Rà soát, thống kê, tổng hợp, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh, các gia trại, trang trại mới lập kế hoạch, cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp với tổ thu gom rác trong quá trình hoạt động của tổ.
- Tham mưu thực hiện các chương trình hành động, các dự án về bảo vệ môi trường nhằm giữ vững xã đạt chuẩn về tiêu chí môi trường.
- Hướng dẫn nhân dân tự phân loại, tự xử lý rác thải sinh hoạt; thu gom bao bì thuốc BVTV theo quy định.
- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, các ngành trong việc giải quyết các vấn đề về môi trường trên địa bàn.
2. Cán bộ tư pháp và Cán bộ văn hóa:
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến với toàn thể cán bộ và nhân dân nhân dân nâng cao ý thức, vai trò của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường; lồng ghép tuyên truyền luật bảo vệ môi trường trong các buổi tư vấn pháp luật, tư vấn hỗ trợ pháp lý...; đưa việc bảo vệ môi trường chung vào quy ước hương ước của xóm; thực hiện nếp sống văn hóa thân thiện với môi trường, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT. Tổ chức tuyên truyền thông qua các hoạt động cụ thể: Ngày môi trường thế giới, Ngày nước thế giới...;
3. Cán bộ khuyến nông, chăn nuôi thú y:
- Hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt việc thu gom các vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật.
- Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, tiêu độc khử trùng chuồng trại trong chăn nuôi.
- Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn nhân dân phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, khi phát hiện dịch bệnh cần báo cáo ngay để kịp thời có các biện pháp khoanh vùng dập dịch.
4. Trạm Y tế xã:
- Thực hiện tốt việc thu gom, xử lý rác thải y tế; làm tốt công tác tiêu trùng, khử độc môi trường và vệ sinh dịch tễ;
- Chỉ đạo đội ngũ y tế thôn bản tuyên truyền nhân dân vệ sinh sạch sẽ tại nhà ở và khu dân cư.
5. Các trường học:
- Tuyên truyền, giáo dục học sinh về bảo vệ môi trường; tổ chức các hoạt động cho cán bộ, giáo viên và học sinh quét dọn, thu gom rác giữ gìn cảnh quan, khuôn viên trường học xanh, sạch, đẹp.
6. Đề nghị Ủy ban mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị của xã:
- Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của nhà nước về môi trường; vận động nhân dân xây dựng các công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh; Tổ chức các hoạt động dọn dẹp vệ sinh tại các khu công cộng, hành lang đường giao thông, đường làng ngõ xóm.
- Hội phụ nữ phát huy tốt phòng trào 5 không 3 sạch, phát động phong trào trồng hoa, cây cảnh tại khuôn viên nhà văn hóa, tạo các tuyến đường xanh. Phát động phong trào dọn dẹp đường làng ngõ xóm.
- Đoàn thanh niên tổ chức đoàn viên thanh niên tại các chi đoàn tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường tại gia đình và khu dân cư, trồng hàng rào cây xanh quanh các nghĩa trang, khu vực đất công UBND xã quản lý.
7. Đối với các thôn:
- Đưa công tác bảo vệ môi trường vào quy ước, hương ước của thôn.
- Phối hợp với cán bộ chuyên môn xã để thực hiện nhiệm vụ trong công tác bảo vệ môi trường địa phương.
- Thường xuyên tổ chức, vận động nhân dân làm vệ sinh môi trường tập trung, đổ rác đúng nơi quy định nhằm làm sạch môi trường sống và bảo vệ sức khỏe. Tuyên truyền các hộ sử dụng nguồn nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh.
- Tổ chức nhân dân thường xuyên vệ sinh môi trường hàng tháng nhằm giữ gìn cảnh quan chung.
- Vận động, tổ chức, thu gom xử lý rác thải theo quy định. Đối với các hộ dân thu gom rác thải sinh hoạt: tuyên truyền nhân dân xử lý các loại rác thải hữu cơ bằng phương pháp chôn lấp, đối với các loại rác khác thì thu gom gọn, tránh phát tán hoặc đổ ra suối để tổ thu gom rác thu gom theo quy định.
- Kịp thời báo cáo với UBND xã về các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở chăn nuôi mới thành lập, chưa có hồ sơ bảo vệ môi trường để thực hiện lập hồ sơ theo quy định. Kịp thời phát hiện, báo cáo các hành vi gây ô nhiễm môi trường, các trường hợp vứt xác động vật chết ra suối và các hiện tượng ô nhiễm môi trường khác.
8. Đối với các hộ gia đình:
- Tự có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường tại nhà ở và khu dân cư, không vứt rác bừa bãi, không vứt xác động vật chết ra suối…, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh để giữ gìn sức khỏe của gia đình và cộng đồng.
- Tích cực tham gia các hoạt động dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp; thực hiện tốt phân loại rác tại nơi phát sinh; nghiêm chỉnh chấp hành về việc thu gom rác tại địa phương và pháp luật về BVMT; Tự đào hố, phân loại chôn lấp các rác thải hữu cơ có thể tự phân hủy, các rác thải ni-lon phải buộc gọn thể thu gom theo quy định tránh để phát tán gây ô nhiễm môi trường.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn xã Tiền Phong năm 2024. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan, các cán bộ, công chức, các ban, ngành, đoàn thể căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp, tổ chức thực hiện./.